Trong những năm gần đây nền chăn nuôi nước ta có những bước phát triển không ngừng. Kỹ thuật chăn nuôi ngày một tiên tiến, con giống và quy trình chăn nuôi cũng dần đi vào chuyên nghiệp. Đặc biệt chăn nuôi gà đang phát triển mạnh mẽ đã có những trang trại lên tới hàng vạn con. Tuy nhiên việc chú trọng tới khâu chuẩn bị chuồng nuôi để vào đàn mới vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự tốt. Từ tình hình thực tế trên chúng tôi đã tổng hợp một quy trình chuẩn bị cho các đồng nghiệp tham khảo và góp ý xây dựng ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng ngày một phát triển.
Do điều kiện khí hậu nước ta rất phức tạp nên sự phát triển của các tác nhân gây bệnh khá nhanh và phức tạp. Việc chuẩn bị tốt giai đoạn đầu vào này sẽ giúp người chăn nuôi gà giảm tối đa thiệt ở giai đoạn úm gà.
Chuẩn bị chuồng nuôi như thế nào để chăn nuôi gà hiệu quả?
Việc chuẩn bị chuồng nuôi để bắt đầu một lứa gà mới là rất quan trọng tuy nhiên ở công đoạn này chúng ta thường chú trọng tới chuồng úm hay khu vực úm nhiều hơn.
Để làm tốt công đoạn này ta cần chú ý những vấn đề sau:
– Có thời gian để trống chuồng nuôi 15 -20 ngày.
– Sau khi bán gà ta cần xử lý vệ sinh ngay (thường gọi sát trùng lần 1)
+ Làm sạch vật lý:
Sau khi loại bỏ hoàn toàn chất chứa, chất độn chuồng ra khỏi khu vực chăn nuôi gà. Đưa toàn bộ dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống, quần áo, dày . . . ) đi vệ sinh, tiêu độc để chuẩn bị lứa gà mới. Làm sạch cơ học bằng cách sử dụng chổi quét kết hợp với phun nước áp suất cao để rửa sạch nền, tường, trần của chuồng nuôi.
Chú ý:
-Không làm ảnh hưởng tới hệ thống đường điện.
-Đối với chuồng kín cần xử lý luôn những vấn đề của chuồng như chuột cắn giàn mát, hệ thống máng uống, máng ăn tự động, xử lý cả khu vực kho.
-Đối với chuồng hở cần xử lý cả khu vực chăn thả gà.
+ Làm sạch hóa học
Sử dụng các chất sát trùng có tính base như vôi, vôi bột rắc vào tất cả các khu vực chăn nuôi gà đặc biệt là lối ra vào.
Sau đó 1 – 2 ngày phun các chất có tính acid như iodine vào tất cả khu vực chăn nuôi.
Đối với chuồng kín cần có thêm một bước nữa đó là sử dụng than tổ ong để xông chuồng nuôi.
Chuẩn bị chuồng úm
Tùy vào điều kiện chăn nuôi gà mà ta có thể lựa chọn các kiểu chuồng nuôi phù hợp sau đây.
Chuồng úm đối với nuôi gà thả vườn và gà trắng công nghiệp quy mô nhỏ ta cần sử dụng kiểu chuồng úm cổ điển.
Chuồng úm truyền thống
Sử dụng quay cót đèn úm thông thường. Tùy điều kiện, quy mô và kỹ thuật mà ta có thể lựa chọn số lượng quây úm phù hợp.
Một số thông số kỹ thuật:
– 1m2 nuôi được từ 35 – 55 con với mùa nóng, 40 – 65 với mùa lạnh.
– 1m2 quây úm cần 3,5 m cót (công thức tính S= C^2/4π)
– S: diện tích
– C: chu vi.
– Π: 3,14.
– Úm 1000 gà diện tích 20 – 22m2 cần 16 – 18m cót.
– Ngoài ra cần chuẩn bị dụng cụ như bài kỹ thuật úm gà đã trình bày.
Đối với những trại nuôi gà trắng công nghiệp
Ta có thể sử dụng kiểu úm bằng bạt. Nhiệt úm sử dụng bằng lò than.
Đối với kiểu úm này ta cần chú ý một số vấn đề sau:
– Luôn luôn giữ chuồng nuôi thông thoáng, cần loại bỏ hoàn toàn khí than ra khỏi chuồng nuôi.
– Điều chỉnh bạt sao cho nhiệt vừa đủ mà lại giữ được tốc độ gió trong chồng nuôi.
– Cần điều chỉnh bạt sao cho phù hợp với mật độ nuôi.
Đối với những vùng chuyên nuôi gột gà có thể áp dụng kểu chuồng úm mới đang được áp dụng rộng dãi ở Bắc Giang
Xây dựng một nhà úm chuyên dụng. Có diện tích tùy thuộc và quy mô và điều kiện chăn nuôi. Thông thường làm từ 28 -30 m2 (4,5 x 6,5).
Phần quan trọng của hệ chuồng úm kiểu này là có hệ thống nhiệt bên dưới nền chuồng.
– Sau khi đã xây dựng chuồng úm như bình thường (chưa làm nền chuồng) ta tiến hành đào hệ thống dẫn nhiệt như hình dưới đây.
Sơ đồ hệ thống nhiệt
Phần hệ thống dẫn nhiệt có thể lựa chọn kiểu 3 đường dẫn hoặc 5 đường dẫn tùy thuộc vào diện tích chuồng nuôi để đảm bảo nhiêt có thể tản đều ra các vị trí của chuồng và hệ thống này cần làm dốc về phía bầu bếp để không khi có thể dễ dàng thoát ra ngoài.
Xây dựng phần ống dẫn nhiệt
– Phần bầu bếp thiết kế sao cho thuận tiện cho việc đun các phụ phẩn nông nghiệp như củi, mùn cưa, trấu, cây ngô, . . . thường xây bầu bếp cao 1,5m chiều ngang 0.5m.
– Phần ống khói cần cao hơn mái chuồng để đảm bảo khói không được hút trở lại chuồng.
Phần ống khói: ảnh minh họa
Chuồng úm trên có ưu điểm
– Đảm bảo nhiệt luôn ổn định kể cả những vùng sâu vùng xa điện lưới chưa được ổn định.
– Ít phụ thuộc vào điện, nhiệt được tỏa đều chuồng.
– Giảm chi phí sản xuất.
– Hạn chế được nhiều dịch bệnh, giảm khí thải trong chuồng nuôi.
– Thuận tiện cho chăm sóc nuôi úm.
Nhược điểm
Chuồng úm trên không thể áp dụng cho chăn nuôi gà với quy mô lớn hàng vạn con.
Như vậy việc chuẩn bị chuồng nuôi để bắt đầu một lứa gà mới. Việc lựa chọn ba kiểu chuồng úm trên sao cho phù hợp với điều kiện chăn nuôi, để có được hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn: VietDVM