Virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi đã di chuyển từ châu Phi sang châu Âu và hiện đang tàn phá ngành công nghiệp thịt heo Trung Quốc trị giá 128 tỷ đô la, một thảm họa chưa từng có từ trước đến nay đã khiến Bắc Kinh tiêu hủy hàng triệu con heo. Nhưng việc ngăn chặn Dịch tả heo châu phi không phải là điều dễ dàng.
Virus gây xuất huyết với độc lực cao và rất bền, lây lan theo nhiều đường khác nhau. Hiện nay chưa có vaccine an toàn và hiệu quả để ngăn chặn bệnh, cũng không có phương pháp điều trị bệnh đặc hiệu. Sự hiện diện của dịch tả heo châu phi trên diện rộng tại Trung Quốc có nghĩa là nó đang từng ngày nhân lên trên đất nước có tới 440 triệu heo – chiếm một nửa số heo trên hành tinh với mạng lưới thương mại rộng, đường biên giới đất liền lớn và hầu hết các trại chăn nuôi heo có ít hoặc không có năng lực ngăn chặn sự bùng phát của bệnh.
Tính truyền lây xuyên lục địa
Số heo thịt của Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 134 triệu con tương đương 20%, sự sụt giảm tồi tệ nhất từ khi bộ nông nghiệp Mỹ bắt đầu thống kê lượng heo của Trung Quốc từ giữa những năm 1970. Virus không gây bệnh cho người kể cả khi chúng ta ăn phải thịt heo nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ chết của heo ngày càng tăng có thể phá hủy cả một ngành công nghiệp thịt heo.
Tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc
Đã có 1,1 triệu con heo đã bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của virus, ước tính với tình lây lan dịch bệnh như hiện nay sẽ có tới 200 triệu con bị tiêu hủy hay giết mổ trong năm 2019 tại Trung Quốc
Kinh nghiệm của Tây Ban Nha cho thấy rằng chỉ tiêu hủy heo không thể xóa dịch được hoàn toàn. Nước này đã thực hiện các biện pháp khử trùng vệ sinh nghiêm ngặt và công nghiệp hóa hệ thống chăn nuôi heo nhưng cũng phải mất đến 35 năm với sự giúp đỡ của liên minh châu âu trước khi dịch được xóa bỏ vào năm 1995. Đảo Sardinia của Italia đã cố gắng loại bỏ dịch nhưng không thành công trong 4 thập kỷ và số heo của đảo này hiện có một phần là được nhập từ Trung Quốc.
Đường lây truyền bệnh đa dạng.
Một số nguồn chính lây lan virus dịch tả heo châu phi vào châu Âu:
Vẫn chưa tìm được đường truyền lây của virus vào Trung Quốc
Một trong những lý do khiến dịch tả heo châu phi khó loại bỏ là nó rất dễ truyền lây. Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với heo bị bệnh virus có thể truyền cho vật nuôi nếu chúng ăn thịt hoặc thức ăn có nhiễm virus, hoặc qua quần áo và dụng cụ chăn nuôi hoặc thậm chí khi heo uống nước có chứa virus.
Các nghiên cứu cho thấy chủng virus lưu hành ở Trung Quốc gần giống với chủng đang lây lan ở Nga và một phần khác của Châu u. Nhưng các nhà khoa học vẫn không giải thích được con đường xâm nhập của virus dịch tả heo châu phi vào quốc gia đông dân nhất thế giới này. Khi không biết được chính xác làm thế nào virus lây lan vào Trung Quốc, cơ quan hải quan sẽ khó để ngăn chặn sự tái nhiễm của virus vào quốc gia này.
Hiện tại bệnh cũng đang lưu hành ở Mongolia, Việt Nam, Triều Tiên và có thể ở các nước láng giềng, hầu hết các nước này đều thiếu nhân lực và thiết bị để xác định và kiểm soát bệnh. Điều này làm tăng nguy cơ rằng ngay cả khi khi Trung Quốc có kiểm soát tốt dịch tả heo châu phi trong nội địa nhưng vẫn có thể tái nhiễm qua con người và các sản phẩm từ thịt heo qua biên giới.
Thức ăn thừa
Các nhà khoa học nói rằng virus có thể đã đến Trung Quốc giống như cách chúng xâm nhập vào châu u vào đầu năm 2007. Một báo cáo của EU cho thấy rằng một số thức ăn thừa có chứa thịt heo đã đến cảng Poti trên biển đen Georgian từ một con tàu, số thức ăn này đã được ăn bởi heo của địa phương (nơi cho phép heo ăn thức ăn thừa). Chỉ trong vòng một tuần, 30.000 heo đã chết và 80% số heo ở Georgia đã nhiễm bệnh.
Heo nhà và người anh em heo rừng của chúng là những máy xử lý chất thải hiệu quả, chúng tiêu thụ một lượng lớn protein từ nhiều nguồn khác nhau từ thức ăn thừa nhà bếp, phân và xác heo chết. Bản tính ăn tạp của chúng khiến con người có thể tận dụng được nguồn rác với chi phí thấp nhưng đây là một lý do quan trọng khiến dịch tả heo châu phi lây lan dễ dàng.
Một đánh giá về các vụ dịch cho thấy rằng gần một nửa các nguyên nhân lây lan virus là qua xe cộ, công nhân không được sát trùng và cho heo ăn thức ăn tạp nhiễm virus hoặc thức ăn thừa. Cho heo ăn thức ăn thô đã bị cấm ở Trung Quốc do lo ngại nguy cơ lây lan mầm bệnh, tuy nhiên việc lén lút sử dụng thức ăn chưa qua xử lý nhiệt từ các nhà hàng và hộ gia đình vẫn tồn tại ở ngoại thành và hộ chăn nuôi nhỏ. Khoảng một nửa số hộ chăn nuôi heo ở Trung Quốc có quy mô ít hơn 500 heo/trại.
Đường truyền lây bệnh chính ở Trung Quốc
Một nghiên cứu dịch tễ về 68 ổ dịch tả heo châu phi ở Trung Quốc tiết lộ 3 nguyên nhân chính lây lan bệnh gồm:
– 46%: qua xe cộ và công nhân không sát trùng
– 34%: Cho heo ăn thức ăn thừa
– 19%: Vận chuyển heo sống và các sản phẩm từ thịt
Cho đến này sự nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh thông qua việc cách ly và vệ sinh sát trùng trại nhiễm bệnh, tiêu hủy heo mẫn cảm, đóng cửa thị trường và hạn chế vận chuyển heo là không đủ mạnh, và hiện nay bệnh đã lan rộng ra toàn quốc.
Âm thầm bài thải mầm bệnh
Virus dịch tả heo châu Phi cũng rất khó để theo dõi. Heo bệnh có thể ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày và có thể bài thải virus trong 1 đến 2 ngày trước khi heo ốm. Điều đó có nghĩa là là virus có thể lan truyền mầm bệnh trong thầm lặng qua chất thải, thịt và máu của heo nhiễm bệnh mà không xuất hiện triệu chứng bệnh, đặc biệt khi heo được vận chuyển và giết mổ trái phép trước khi được chẩn đoán.
Ở Trung Quốc, heo thường được trở đi hàng trăm dặm do người nuôi và người buôn muốn tận dụng lợi thế về sự chênh lệch về khu vực chăn nuôi và giá cả, cũng như sở thích thích ăn thịt tươi sống. Khi heo đến một trại mới chúng sẽ ngay lập tức trộn với các heo khác tạo điều kiện sự cho truyền lây bệnh.
Giấu dịch
Xác định dịch bệnh sớm là rất quan trọng để giảm thiểu sự lây lan của bệnh. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết trả một khoản trợ cấp khoảng 1200 nhân dân tệ/heo cho những trại bị thiệt hại bởi dịch tả heo châu phi. Nhưng một số quan chức địa phương đã giữ lại số tiền này, không đền bù cho người chăn nuôi chính vì vậy mà các ổ dịch nổ ra nhưng không được báo cáo.
Trong một số trường hợp người dân còn bị phạt do đã công khai vụ dịch. Một quản lý trại heo ở tỉnh Sơn Đông đã phải tự mình báo cáo về các ổ dịch tả heo Phi lên chính phủ quốc gia sau khi ông này cố gắng liên hệ với quan chức địa phương nhưng bị từ chối. Sau đó ông lại bị cáo buộc có tội và bị bắt bởi chính quyền địa phương.
Virus trong máu và dịch tiết
Virus có thể không cần đến sự di chuyển của heo để lây lan. Chỉ cần một giọt dịch tiết của heo bị nhiễm bệnh cấp tính có thể chứa 50 triệu virus và chỉ cần một trong số đó nhiễm vào nước uống của heo có thể đủ để lây lan bệnh cho heo khác.
Máu nhiễm bệnh, dịch tiết từ nước tiểu, nước bọt và phân có thể theo lớp bụi bẩn trên bánh xe tải và giày, cho phép mầm bệnh đi xa hàng trăm dặm rất nhanh chóng. Những nguồn tạp nhiễm cần yêu cầu xử lý ở 60 oC (140 oF) trong 30 phút để được an toàn.
Hàng chục ngàn con heo đã nhiễm bệnh ở Trung Quốc và xác của chúng trở thành mối nguy cho môi trường, cần phải xử lý triệt để. Ở Romania, sông Danube đã bị ô nhiễm do xác heo chết vì dịch tả heo châu phi đã làm lây nhiễm bệnh cho 140.000 trại heo khác.
Virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi đề kháng với môi trường
Virus dịch tả heo châu phi có tính kháng cao, chúng có khả năng duy trì hoạt động trong nước trong vòng 1 tháng, trong thịt và máu ở nhiệt độ phòng trong vài tháng và 6 năm ở điều kiện lạnh và không có ánh sáng. Chúng có thể chịu được trong điều kiện nhiệt độ cao, nhiều điều kiện khắc nghiệt và có thể tồn tại một ngày trong giấm ăn có tính axit mạnh.
Không có một nghiên cứu nào công bố về phát hiện virus dịch tả heo châu phi trong thực phẩm ở Trung Quốc. Nhưng virus đã có trong sản phẩm thịt heo có xuất xứ từ Trung Quốc bị tịch thu bởi nhân viên hải quan ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cho thấy rằng virus này đã có mặt trong chuỗi thực phẩm ở Trung Quốc.
Ngay cả khi Trung Quốc có thể ngăn chặn sự truyền lây virus mầm bệnh từ heo sang heo nhưng hai vector truyền bệnh là heo rừng và ve Ornithodoros khiến cho việc kiểm soát bệnh trở nên phức tạp. Vật chủ tự nhiên của dịch tả heo châu phi phân bố rộng rãi ở Trung Quốc mặc dù chưa biết chính xác vai trò của chúng trong việc truyền lây bệnh. Riêng ở tỉnh Chiết Giang phía nam Thượng Hải đã có khoảng 150.000 heo rừng.
Hiện tại chưa có vaccine
Mặc dù đã có 50 năm nghiên cứu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa phát triển được một loại vaccine an toàn và có hiệu quả phòng dịch tả heo châu phi, ngay cả khi các nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả thì cũng phải mất nhiều năm trước khi chính thức có vaccine thương mại trên thị trường.
Một trong những nỗ lực sớm nhất là việc nghiên cứu vaccine sống nhược độc đã thất bại sau khi phát hiện ra rằng vaccine có thể khiến cho heo bị suy nhược và dị dạng bẩm sinh.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những heo phục hồi sau khi nhiễm dịch tả heo châu phi có khả năng kháng lại một số chủng virus khác, nhưng các nhà khoa học vẫn không biết chính xác cơ chế bảo hộ của vaccine và phương pháp tốt nhất để đánh giá hiệu lực của các vaccine thử nghiệm.
Một trong những khó khăn khác là virus có bộ DNA lớn và phức tạp chứa khoảng 170 gen và 80 protein, rất nhiều trong số chúng có khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch của heo.
Một nỗ lực gần đây hơn về việc sản xuất ra một loại vaccine có chứa virus đã được loại bỏ đi một số gen gây bệnh quan trọng để vaccine an toàn hơn. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực hiện thử nghiệm diện rộng trên thực địa để chứng minh hiệu quả ở trang trại thương mại – một bước cần thiết để có được sự chấp thuận lưu hành vaccine trên thị trường.
Điều đó có thể trì hoãn sự ra đời của vaccine trong nhiều năm
Với một loại virus bền vững khó bị tiêu diệt như dịch tả heo châu phi và sắp tới vẫn chưa có vaccine phòng bệnh thì cách tốt nhất Trung Quốc có thể làm để bảo vệ ngành công nghiệp heo nội địa là theo dõi và kiểm soát thận trọng mầm bệnh trên heo, con người và các sản phẩm ra vào trang trại. Điều đó có nghĩa là biến 26 triệu hộ chăn nuôi heo ở Trung Quốc thành cơ sở an toàn sinh học thực sự.
Nguôn tin: bloomberg